Ô tô là phương tiện có nhiều hệ thống quan trọng như hệ thống điều khiển động cơ, hệ thống chống trộm, hệ thống mã hóa động cơ,… Trong đó, hệ thống phanh thủy lực cũng là một bộ phận không thể thiếu với bất kỳ chiếc xe hơi nào. Vậy hệ thống này là gì? Cấu tạo của nó ra sao? Bài viết dưới đây sẽ đề cập những thông tin liên quan để giải đáp thắc mắc của bạn.
Nội Dung
Hệ thống phanh thủy lực là gì?
Hệ thống phanh thủy lực hay còn có tên gọi khác là phanh dầu. Đây là nền tảng chủ yếu cho những hệ thống khác như hệ thống phân phối lực phanh EBD, hệ thống leo dốc HAC,… Về cơ bản, hệ thống này có chức năng giảm tốc độ và hãm xe khi người điều khiển phương tiện ra chỉ thị. Từ đó, giúp hoạt động tham gia giao thông của người lái xe được đảm bảo an toàn.
Cấu tạo hệ thống phanh thủy lực trên ô tô
Thành phần cấu tạo của hệ thống phanh thủy lực trên ô tô cụ thể như sau:
Bàn đạp phanh
Bàn đạp phanh là bộ phận được lắp đặt bên trái so với bàn đạp ga. Khi đạp chân lên bàn đạp phanh, xe sẽ giảm tốc độ và dừng lại từ từ. Bàn đạp được lắp vào vách ngăn và thực hiện công việc có cơ cấu như một đòn bẩy. Nó được kết nối với xi lanh chủ thông qua một dây cơ hoặc thanh liên kết.
Xi lanh chủ
Đây là mắt xích quan trọng trong hệ thống phanh thủy lực. Ở đây, xi lanh có nhiệm vụ chuyển đổi lực tác dụng lên bàn đạp thành áp suất thủy lực. Các thành phần của xi lanh bao gồm vỏ, bình chứa, cốc cao su, van kiểm tra áp suất,..
Bầu trợ lực phanh
Bầu trợ lực phanh có vị trí lắp đặt tại giữa bàn đạp phanh và xi lanh chủ. Nhiệm vụ chính của bầu trợ lực là giảm bớt phản lực của bàn đạp phanh, đồng thời khuếch đạt lực ép từ bàn đạp phanh.
Xi lanh bánh xe
Nhiệm vụ của loại xi lanh này là chuyển đổi áp suất thủy lực sang áp suất cơ học, từ đó đẩy giày phanh về phía trống. 2 loại chính của xi lanh bánh xe là: xi lanh bánh xe bước và xi lanh bánh xe piston.
Đường phanh và vòi
Đường phanh và ống dẫn có chức năng truyền chất lỏng áp suất cao giữa các cơ cấu động cơ.
Dầu phanh
Dầu phanh là huyết mạch của hệ thống thủy lực. Đây là chất lỏng chuyên dụng cho ô tô, được pha chế từ dầu gốc tinh lọc chất lượng cao và kết hợp với hệ phụ gia đa chức năng khác. Dầu đóng vai trò trung gian truyền lực, sử dụng áp lực thắng để truyền chất lỏng trong hệ thống phanh của xe.
Trống phanh
Trống phanh là trống tròn nhỏ, bên trong chứa bộ giày phanh được trang bị lớp lớp phanh (vật liệu ma sát). Piston (cơ chế áp suất) sẽ ấn vào trống từ bên trong để tạo ra lực phanh, nhờ đó xe có thể giảm tốc hoặc dừng lại.
Phanh đĩa
Phanh đĩa chứa một rôto kim loại hình đĩa được bắt vít vào hốc của bánh xe. Loại phanh này thường được trang bị trên bánh trước của nhiều dòng ô tô thương mại. Khi đạp chân phanh, áp suất dầu trong đường ống và xi lanh của bánh xe sẽ tăng lên, khi đó sẽ đẩy piston và má phanh ép vào đĩa phanh tạo ra ma sát khiến bánh xe giảm tốc độ hoặc dừng hẳn.
Nguyên lý làm việc của hệ thống phanh thủy lực trên ô tô
Trạng thái phanh xe
Khi cần giảm tốc độ xe hoặc dừng xe lại, người lái xe tác dụng lực chân vào bàn đạp phanh, thông qua bầu trợ lực của phanh. Khi đó, các piston chuyển dộng nén lo xo và dầu trong xi lanh chủ. Quá trình này làm tăng áp suất, dầu sẽ được truyền thông qua đường ống và xi lanh của bánh xe, đẩy piston và guốc phanh ép chặt vào má phanh sinh ra lực ma sát. Nhờ vậy, phanh tang trống và moay ơ tại bánh xe sẽ giảm dần tốc độ hoặc dừng lại hẳn.
Trạng thái nhả phanh.
Khi không còn lực tác động lên bàn đạp, lực đàn hồi của lò xo sẽ đẩy cần về phía bên trái, đồng thời nó sẽ khóa các van lại. Hệ thống phanh thủy lực sẽ kết thúc quá trình làm việc.
Kiểm tra hệ thống phanh thủy lực
Hệ thống phanh ô tô dễ xảy ra lỗi trục trặc khi xe chạy với cường độ cao và tần suất dày. Bởi vậy, theo các chuyên gia, xe hơi nên được kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ sau mỗi 50.000 – 100.000 km tùy vào điều kiện sử dụng xe. Đặc biệt, với những xe chạy liên tục trên các địa hình gập ghềnh, đất cát,… thì cần bảo dưỡng thường xuyên hơn.
Kiểm tra dầu phanh
Nhân viên bảo dưỡng sẽ kiểm tra tình trạng dầu phanh, lượng dầu phanh, chất lượng dầu phanh. Thông thường, dầu phanh ô tô sẽ có màu vàng nhạt. Sau thời gian sử dụng, dầu dần chuyển sang màu vàng đậm. Tuy nhiên, nếu màu đổi quá đậm, thậm chí chuyển sang màu nâu (dầu bị biến chất nặng) thì người lái xe cần nhanh chóng bơm dầu phanh mới.
Kiểm tra đĩa phanh và má phanh
Đĩa phanh và má phanh là 2 bộ phận quan trọng của hệ thống phanh thủy lực. Nếu má phanh bị ăn mòn sâu do chịu lực ma sát liên tục sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phanh xe. Đặc biệt, nó sẽ làm nóng đĩa phanh, khiến đĩa phanh nhanh chóng bị mòn theo.
Để đảm bảo an toàn, người điều khiển phương tiện nên thay mới má phanh khi độ dày còn khoảng 2 – 3 mm. Đồng thời, thường xuyên đến trung tâm bảo dưỡng, nơi có những máy rửa xe chuyên dụng để đảm bảo gột rửa bụi bẩn, tránh ăn mòn cho má phanh và đĩa phanh.
So sánh hệ thống phanh thủy lực và phanh khí nén trên ô tô
Kết cấu: Hệ thống phanh khí nén có nhiều chi tiết cồng kềnh hơn so với hệ thống phanh thủy lực.
Độ an toàn: Hệ thống phanh thủy lực không có trợ lực, vì vậy nó thường sử dụng trên các loại ô tô con, trọng lượng nhỏ. Còn với những dòng xe tải, xe container thì nên sử dụng phanh khí nén để đảm bảo an toàn.
Kết luận
Hiện nay, với những tính năng và ưu điểm riêng biệt, hệ thống phanh thủy lực được phần lớn các nhà sản xuất sử dụng trên các dòng xe hơi. Bởi vậy, hy vọng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ, bạn sẽ hiểu rõ hơn về hệ thống phổ biến này, từ đó có những chặng đường an toàn nhất trên chiếc “xế” yêu của mình.